H.O. Lấy Vợ


Ngày đó chị là cô hàng xóm nhỏ nhất trong đám con nít hơn chục đứa do anh cầm đầu những năm sáu mươi.
Sau tết Mậu Thân anh đi lính, hành quân bốn vùng chiến thuật, lần đầu bị thương ở chiến trường về, gia đình vội cưới vợ cho anh, sau đó mỗi lần về phép là một lần «gieo giống», các con thay nhau ra đời và mang tên địa danh anh đã đi qua. Cô hàng xóm ngày xưa âm thầm dõi theo anh, hụt hẫng, mơ mộng làm người yêu của lính, chưa đủ tuổi để nói lên nỗi lòng, anh đã cưới vợ mất rồi.
Tàn cuộc chiến, anh đi tù, vợ anh chạy chợ nuôi con, mỗi lần chị đi thăm anh, cô hàng xóm góp thêm túi cá khô, ký đường ... phụ chị nuôi anh trên rừng. Anh ra tù, mang vợ con đi Mỹ, thế là «đôi ngã chia ly» dù giữa hai người chưa có lời hẹn ước nào, chị đành giã từ mối tình câm. Má hỏi chị, chịu lấy chồng chưa, chị bùi ngùi nói, người ta đi mất tiêu rồi, lính còn đâu mà lấy.
Ba mươi năm sau anh quay về xóm cũ, nhà ba má anh vẫn ở sát nhà chị, gõ cửa hàng xóm, thấy chị ra mở cổng, anh ngạc nhiên ú ớ : bé Xíu, ơ Xíu vẫn ở đây.
Chị cười sung sướng: đại ca Liêm, anh về hồi nào vậy ?
Mời anh vào nhà, Xíu kể cho đại ca nghe những ngày xa cách, anh cưới vợ chị buồn lắm, nhưng ít ra cũng còn thấy anh thỉnh thoảng trở về xóm cũ, ngày anh đi Mỹ, coi như hết sạch sành sanh, còn ai để mong đợi.
Má nói mãi chị mới lấy chồng, sinh được hai đứa con, chồng chị làm «kinh tế mở cửa» nên tung cửa đi luôn với đào nhí, chị tiếp tục nghề gõ đầu trẻ nuôi các con đến bây giờ.
Anh bùi ngùi tâm sự, ngày xưa anh cũng thương Xíu nhưng không dám nói, Xíu nhỏ hơn anh gần mười tuổi sợ má anh, má em chửi. Anh định chờ Xíu lớn một chút, binh nghiệp vững vàng rồi cưới cũng kịp, ai dè má anh bắt cưới vợ, chiến cuộc đưa đẩy hai đứa mình xa nhau.
Chị mân mê tách trà nóng, nói nhỏ như chỉ cho riêng mình, chúng mình không duyên nợ, biết nhau chừng đó cũng đủ rồi. Anh nắm lấy tay chị ân cần, chưa chắc, chuyện tụi mình chưa bắt đầu làm sao kết thúc, tuy giữa hai đứa mình chưa có gì, nhưng bây giờ tìm hiểu nhau cũng chưa muộn, chị thảng thốt, thế vợ con anh đâu !
Anh châm điếu thuốc, kể «chuyện tình buồn» của anh và vợ, cuộc sống bên Mỹ đã thay đổi tất cả.

Hồi mới qua, anh xung phong đi làm «assembly» và đưa đón các con đến trường, để vợ đi học, chị lấy xong cái bằng kế toán xin vào sở Mỹ làm đến bây giờ. Thật ra vợ chồng anh chưa hề yêu nhau, lấy nhau do gia đình sắp xếp, thời chiến vợ anh yên phận vợ hiền, qua đây vợ anh có cơ hội giao tế rộng rãi hơn, trong khi anh còn hoài niệm một thời vùng vẫy hét ra lửa. Anh nhận tội «chồng chúa» nhưng chưa bao giờ «bắt vợ làm tôi», chỉ là chúa tể rừng xanh thôi, quen kiểu nhà binh, xếp ra lệnh, vợ con trở xuống phải tuân theo, giời ạ, bên trời tây sao anh không chịu hiểu, đàn ông có xuống gía chút đỉnh, anh phải giảm bớt «cường độ» chúa tể sơn lâm.
Từ ngày vợ anh lên chức xếp kế toán trong sở, anh cảm thấy cái chức «xếp má bầy trẻ» của anh bị cái chức kia lấn át một cách vô hình và xung đột từ đó xuất phát như hỏa châu rơi những đêm giao tranh ngoài chiến trường.
Dạo đó anh vẫn giữ tính oai phong, gan lỳ không nhân nhượng «đối phương», dân nhà binh thứ thiệt, có thua cuộc cũng hiên ngang ra đi chứ không thèm níu kéo, lùi bước, hào khí thời chiến, cái máu đại ca thời niên thiếu vẫn như cũ. Hình như anh chưa quen cuộc sống lứa đôi thời bình, giữa hai người lại thiếu một chuyện tình lãng mạn, với cuộc sống mới hối hả hội nhập vào xã hội Mỹ khiến hai vợ chồng càng để lộ những cách biệt đáng ngại.
Vợ anh biết anh vẫn sống trong hào quang thời xưa, anh chưa chấp nhận «đại bàng gãy cánh», cuộc sống nội tâm của anh gắn liền với quá khứ khiến anh rơi vào cơn trầm cảm. Có lần chị bàn đến chuyện này mong anh thức tỉnh và giải tỏa mọi hiểu lầm, không ngờ kết quả tệ hơn, anh vin vào chuyện chị đi làm có tiền nên coi rẻ anh, hai người giận nhau cả tháng.
Đôi khi ngồi bên nhau, kỷ niệm xưa không chen nhau ùa về để hâm nóng chuyện tình chưa lãng mạng của họ, có nhắc lại cũng chỉ vài bức thư từ chiến trường anh gửi về, vài mẫu chuyện gian truân chị lặn lội đường xa đi thăm nuôi anh, cái nghĩa vợ chồng đến trước vì tình yêu chưa nở rộ.
Giờ nghĩ lại đã quá muộn, gía những lúc chị trở về từ sở, tay ôm chồng hồ sơ, tay xách túi thức ăn, anh phải bay vào bếp phụ chị, ngược lại anh bỗng thấy bị «mất gía» trước tập hồ sơ khó ưa kia nên bỏ lên lầu. Không thấy anh phụ một tay, chị đâm bực, lên giọng «xếp sở» cằn nhằn, gian bếp rung rinh như máy bay đang đi qua vùng trũng, seat bell làm gì có để buộc chặt tự ái của hai vợ chồng đang bay lợn lờ đụng trần nhà bếp.
Chị Xíu nghe chuyện của anh phát rợn, nhưng phải phục tính cương trực nhà lính của anh, dám làm dám chịu, ít có đấng mày râu nào dám nhận lỗi của mình sau một cuộc chia tay, đa số đều lên án, đàn bà đòi hỏi bình quyền quá đáng, họ từ bẹ sườn bọn đàn ông chúng tôi mà ra, đương nhiên họ phải kém chúng tôi rồi.
Hoàn cảnh của Xíu cũng không khá hơn anh, lấy chồng sinh con để không phải mang tiếng gái ế, chị nghĩ sống bên nhau rồi sẽ yêu, nói chồng chị không yêu chị là không đúng, nhưng yêu say đắm thì chưa, hoàn cảnh đưa đẩy chồng chị phải giao tế làm ăn. Đàn ông không háo sắc, không đam mê, không sa ngã ... đâu phải là một tay chơi đáng nể, đã vui chơi mà phải tỉnh táo không lẫn lộn «cơm với phở» còn gì cuộc chơi, không biết cái triết lý «bia bọt» này do ai tung ra làm cánh đàn ông bên nhà «sùi bọt mép». Chồng chị đâu phải là người đàn ông tuyệt hảo, chị cũng chỉ là người phụ nữ bình thường, đôi bên chẳng ai đủ bản lãnh để cứu lấy mái ấm của họ, vì thế chuyện tình đôi ta đến đây là hết, chỉ tội mấy đứa bé ngơ ngác giữa cuộc phân tranh của cha mẹ.
Từ ngày rời Sài Gòn, trở lại Mỹ anh vui và yêu đời hơn, họp đám bạn cũ lên chương trình «cưới vợ miền xa», kẻ khen, người cản bảo coi chừng cái «rờ mọt» bên đó nặng lắm, anh hiên ngang trả lời, nếu quá sức, moa cho nổ mìn đứt luôn. Đám ủng hộ lên tiếng, tụi nó thử sức toa, dân nhà binh tụi mình đâu có ngán ai, tuy nhiên cũng nên cân nhắc, chỉ ngại cách sống bên đó không hạp với bên này thì mệt đó, lỡ bưng người ta qua không dể vứt ra đường đâu. Mấy người bạn làm anh bần thần, lòng anh đã vững như kiềng ba chân, tự nhiên lời vào tiếng ra khiến anh «suy tư bên bờ vắng», ai chứ Xíu anh biết từ nhỏ, nhưng chuyện tan vỡ gia đình Xíu, hư thực ra sao anh không rỏ chỉ nghe em than như thế, chưa chắc lỗi do anh chồng gây ra.
Bên Sàigòn má chị Xíu đâm lo, bà thở dài, coi chừng thằng Liêm có máu «đại ca» quyết định bốc đồng, con nhớ hồi trước nó dẫn cả đám tụi con đi xinê đến chiều tối mới về làm cả xóm nhốn nháo tưởng chúng mày bị bắt cóc, bị đòn một trận, ra tết tiếp tục dẫn cả đám đi chùa, ăn cơm chùa... đến tối mờ tối mịt, cái xóm này sợ nó luôn.
Chị cười thầm, đấy chị yêu anh cũng vì cái tính bốc đồng đáng yêu đó, hình như anh chồng cũ của chị thiếu cái nét phong lưu của đại ca Liêm. Chồng chị nhẹ dạ dễ sa ngã, lại ngã vào tay người đẹp ai mà cưỡng lại được, lỗi do chị quá tự tin, nghĩ mình là hậu phương vững chắc nên không sợ «tróc gốc», cái vai vợ hiền của chị chưa đủ tiêu chuẩn níu chân anh chồng vui chơi triền miên, vì cách mạng là ngày hội mà.
HO về Sàigòn cưới vợ, có người trề môi, tưởng gì lấy «bà gìa», đồng đội bênh vực, hồi trước nó từng lái «bà gìa» (máy bay), bây giờ cưới là phải rồi, có giọng phản biện, phải cái gì, dại chưa từng thấy, hay muốn chơi ngông lấy tiếng. Mặc thiên hạ bình luận, anh biết Xíu, chỉ còn một chút «bí mật» anh chưa giải mã, Xíu làm răng mà chồng bỏ, sự đổ vỡ nào cũng đến từ hai phía, nhưng anh cao thượng nên «cho qua» luôn.
«Cưới vừa xong là anh đi», về bên này anh sửa lại căn town house, sơn trắng nội thất, gắn rèm màu bordeaux, sắm chiếc giường đôi, dựng dressing ... tất cả đều do bàn tay con gái của anh «phù phép». Con nhỏ còn nhớ cô Xíu và ủng hộ bố cưới vợ, vợ cũ của anh cũng không phản đối, đàng nào cô dâu cũng là hàng xóm cũ, anh báo cho Xíu biết bên này OK mối tình muộn của hai người, hú vía chị Xíu lọt mắt xanh bên chồng.
Vợ cũ của anh đã tái gía từ lâu, thấy anh hẩm hiu tội nghiệp, chị không ích kỷ, tìm đuợc hạnh phúc mới, chị không quên người chồng cũ, nhờ anh mà chị mới thành công ngày hôm nay, anh đã quá hào hiệp với chị, chỉ thiếu một chút kiên nhẫn mà ra nông nỗi. Sau khi leo lên ghế xếp, chị định khuyến khích anh trở lại trường, chuyện chưa đến đâu, anh mặc cảm thua kém vợ rồi sinh ra bất hòa đến đổ vỡ, gía lúc đó chị nhịn nhục, gía lúc đó cả hai đừng tự ái, háo thắng quá đáng. Chị mừng biết anh cưới Xíu, cô hàng xóm tốt bụng, đàng nào hai bên biết nhau tong tỏng, không lo anh trao duyên lầm «người đẹp mã», sang sông rồi «con sáo sỗ lòng bay xa».
Vợ anh tái gía với ông Mỹ gìa, chị học được lối đối xử lịch lãm của người phương tây, vợ chồng cũ không rủ cũng nên trở thành «bạn hiền» để chung sức giáo dục các con. Hận thù, ghét bỏ, bêu xấu nhau làm gì để các con bị tổn thương khi phải nghe những lời chê trách, cha mi, mẹ mi là người ti tiện, nhỏ mọn, cái gì đã qua cho qua luôn, như thế mới giữ được sự nể trọng của các con.
Ngày chị Xíu ra mắt bên chồng, ngoài đám bạn của anh, người nhà khá đông, các con của anh với vợ cũ, các con riêng của chồng Mỹ bà vợ cũ của anh, tiếng ta tiếng Mỹ mạnh ai nấy hiểu, chị Xíu thấy lạ quá, đám cưới của chị mà khách còn vui hơn cả chị nữa. Tàn tiệc đôi uyên ương đưa nhau về nhà nghỉ ngơi, chuyện động phòng tính sau, hôm nay cô dâu chú rể ê càng đuối sức vì nhảy đầm quá trớn.
Tuần trăng mật anh đưa chị lên sòng bạc Las Vegas thử vận, chị đùa, vận chị bây giờ neo vào anh rồi, đỏ đen gì đành chịu, anh hí hửng, chơi xả láng, tình mình đỏ rực nên có đen bạc cũng dễ hiểu. Chắc chắn là họ thua nhà sòng, trước mua vui sau anh lấy lại cái vai vế đại ca của đám con nít ngày xưa, trông anh liếng thoắng như trai trẻ, hình như đàn ông muôn đời vẫn là một đứa trẻ thích được nâng niu.
Tuần trăng rồi cũng qua, mật đọng lại đâu đó, chưa lộ hình nhưng bàn bạc trong những ngày đầu tập tễnh vào vai «việt kiều» bên quê chồng. Tuy nhỏ hơn anh gần mười tuổi trông chị xấp xỉ tuổi anh, mấy người thầm tiếc hộ anh, rinh «bà gìa» còn đòi ra mắt thiên hạ, sao người ta kỳ thị chi lạ, trước sau gì chị sẽ sánh bước với anh, phải là người mẫu chân dài mới đủ tư cách làm vợ việt kiều sao.
Anh dẫn chị ra mắt bạn bè, chị ngoan ngoãn nghe các bà, các chị bên ni giáo huấn, «ma mới» nghe «ma cũ» lên lớp vài buổi, tự nhiên được trainning miễn phí lại được tiếng «ngoan». Chị phục các bà các cô bên này, vừa đi học vừa đi làm, có khi cày hai jobs nhà cửa vẫn tươm tất, nghĩ lại dân Sàigòn nhàn và sướng chán.
Khách ra về hài lòng khen, vợ anh Liêm «biết điều», đại ca nghĩ khác, anh hỏi, sao cô giáo vào vai học trò hay vậy ? Chị thành thật, mình đến sau nghe người đến trước chỉ dẫn, tranh thủ như thế không hay sao, đâu phải ai cũng tốt bụng chỉ bảo mình như các chị, họ còn rủ em đi shopping nữa đó.
Một năm sau, shopping, chợ ta, chợ mỹ, lái xe, lớp ESL, cái job đầu tiên làm việc với đồng hương, cuộc sát hạch «hội nhập» chị vượt qua không khó, kẹt cái góc Sài Thành của chị chưa phai, cái mảng từ ngữ chia duyên rẽ thúy giữa chị với đồng hương chưa tàn lụi.
«Gọi điện báo anh, chị tăng ca đột xuất, công việc hơi bị nhiều, chị phản ánh với cấp trên», anh phát rét nghe chị nói «tiếng việt XHCN», «ngoại ngữ» này anh tạm gọi là «ViệtSL» thay cho ESL. Để không bất đồng ngôn ngữ với chị, anh muợn khẩu hiệu «vui duyên mới nhưng không quên nhiệm vụ», anh can chị, quên giùm cái đuôi XHCN bên kia và chuyễn hệ dùng ngôn ngữ địa phương cho anh và đồng hương được nhờ. Vẫn là tiếng việt, nhưng Việt Nam Cộng Hòa tiếng nói của người Việt tự do, không cần «tranh thủ, lấy ngắn nuôi dài, bán giá trong giá ngoài, khuôn mặt hình sự, khủng bố tinh thần...”
Có đêm hai người trăn trở khó ngủ, họ thì thầm, Xíu của anh chưa từ bỏ góc việt cộng, bạn bè e ngại cho anh phải chung sống với em. Chị giật mình, có chuyện gì không ổn, em làm sao mà bạn anh lo lắng ? Cô giáo ơi, HO mà chung sống với «cán cộng», có đáng ngại không nào ?
Chị chợt hiểu, người ta hiểu lầm chị qua ngôn ngữ tuy không bất đồng, nhưng lại dị biệt, tiếng việt bên nhà chuyễn gieng... «trí tuệ» đến độ đồng hương có người ngẫn ngơ khi chị trầm trồ khen «thật là trình độ», tưởng cái gì trình độ, chị khen cái lò nướng thịt, nướng cá đa năng bằng điện, họ nhìn chị mỉm cười chế diễu. Chị cảm thấy hụt hẫng, bị kỳ thị, cũng không trách được, họ đã vứt bỏ tất cả, suýt mất mạng để «lập quốc» ở đây, tự dưng chị lù lù dẫn xác qua, thả cái chùm từ ngữ «không giống ai» vào thành trì tự do của họ, bảo sao họ không khó chịu. Thôi thì, «đồng hương ơi thương lấy đồng bào, tuy là mới đến nhưng dân Cộng Hòa», các vị mới đến cũng xin thương giùm các bác đã đi tù cộng sản, đừng bắt họ quay về quá khứ nghiệt ngã với ngôn từ của xã hội áp bức bên kia, cái gì của «đảng» hãy trả lại cho «đảng», xứ Mỹ không cần những thứ đó.
Chị không ngờ chị bị «viêm não» nặng, viêm kinh niên câu chữ đặc trưng cộng sản, chỉ khi ra khỏi VN chị mới đoạn tuyệt với tiếng việt gốc vô sản lỗi thời. May là chị chỉ nhiễm chữ, chị chưa hề thích ứng cuộc sống mà mọi ngã đường tiến thân đều phải đi cửa hậu, hoặc phải qua ngõ hẹp có «tiền bác sáng đời ta», nói vậy không phải ai ở bên nhà cũng xấu, nhưng tìm được người đạo đức, tự trọng không dễ chút nào.
Vì chị thuộc loại người không dễ tìm trong cái xã hội bát nháo bên kia, nên anh đã chọn chị, vì khi anh đề nghị cưới chị, chị rất ngại, làm việt kiều ai không thích, nhưng sống ra sao mới đáng nói, những câu hỏi chị đưa ra làm anh ngạc nhiên quá, sao Xíu nói thầm yêu anh, bây giờ người ta cưới lại làm gía.
Chị nhỏ nhẹ, hồi trẻ yêu cuồng, yêu ẩu, giờ gìa chát, toan tính nhiều hơn yêu, tính toán đây là lượng sức mình chứ không phải tính tiền dollar đâu, không biết mình đủ can đảm làm lại từ đầu ở tuổi này không.
Anh trấn an, tưởng gì, dân ở rừng với việt cộng như Xíu, câu này do em nói đấy nhé, đi đâu mà không sống được.
Gậy ông đập lưng ông đau điếng, nhưng điều nghi ngại của chị cũng không vô cớ, xứ Mỹ, thiên đàng đầy mộng mị sao lại không sống được, chỉ tại chị bị nhiễm từ ngữ cán cộng nhiều quá, phải có thời gian để chị tái nhập chữ nghĩa Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài ra cuộc sống mới với anh tuy thân mà lạ, chị lo lắng, không biết mình đủ kiên nhẫn chịu đựng tính bốc đồng của anh, tuy có nể phục anh, nhưng cuộc đời không êm ả như mặt nước hồ thu, nhất là ở tuổi này, ai chả có tật.
Cái tật lớn của anh là không bao giờ chịu thua đàn bà, đến giờ này anh vẫn ấm ức ông tổ loài người đã mê mệt cái bà Eva đưa lời đuờng mật nên bọn đàn ông mới mang cục nghẹn, và anh thề không chùm bước.
Cũng tại lời thề đó mà vợ cũ của anh đã ra đi, rút kinh nghiệm đau thương kia chị Xíu thất kinh hồn vía, chị bèn thề sống thề chết «chịu thua anh» cho chắc ăn. Anh sướng mê tơi, hỏi gặn chị, thiệt không, cô giáo «mất dạy» hồi nào mà bữa nay chịu bị bắt nạt dễ vậy, chị cười tình, thỏ thẻ, xuất gía tòng phu mà lị, thỉnh thoảng chịu lép xem anh «khè lửa» ra sao.

Thì ra, Xíu của anh chả hiền tí nào, mà lém đấy, không sao, đại ca dư sức ra chiêu cho Xíu nễ, chị vuốt đuôi, em chờ bao nhiêu năm nay để xem anh trổ tài đấy, đại ca của em. Nói thế thôi, anh giờ này không còn háo thắng như thời trẻ, về Sàigòn «vớt» em gái hậu phương hiền ngoan hủ hỉ tuổi gìa đủ rồi.
Ở tuổi senior làm cái gì cũng phiên phiến, ăn chỉ để thưởng thức chứ không cần no, rượu thuốc lá, đàn bà còn khả năng sử dụng, dại gì không hưởng phí đời. Chỉ có yêu là anh không phiên phiến mà yêu hết mình, yêu mãnh liệt như để bù lại đời trai thời loạn anh chưa có mảnh tình vắt vai để hẹn hò những ngày xả trại.
Cũng tội cho các ông về Sàigòn cưới vợ, vợ trẻ đẹp cũng có cái gía của nó, ra đường thiên hạ trầm trồ, nhưng về nhà có khi «đôi ngã chia ly», em đáng tuổi con cháu, nhõng nhẽo như trẻ thơ, anh chạy theo hết hơi, huyết áp vọt trên mức báo động sức lực còn đâu mà làm ăn. Tâm tư tình cảm trồi sụt theo sự đồng cảm của hai bên, hên gặp em gái biết điều chịu khó tìm hiểu thế hệ của anh có «con đường Duy Tân cây dài bóng mát» coi như rút ngắn giai đoạn «thích ứng» và đôi ta sẽ cùng chung lối đến cuối đời.
Xui gặp phải em gái lứa «cháu ngoan bác hồ» em nghêu ngao bài «tiền bác sáng đời ta», «hết rau rồi em có lấy măng không», anh buồn thúi ruột, âm nhạc thời oai hùng các anh lính chiến bị «nhạc cộng» hạ sát không thương tiếc. Ra đường em lý lắc ăn diện kiểu «hip hop», anh được lên chức «cha» cô vợ trẻ, đau đứt ruột, mặc kệ tối nay anh gỡ gạc một cú, không giữ được vía nàng thì ôm cứng lấy người, ít ra giữ người mới qua, kẻo mai này đủ lông em vỗ cánh bay xa, coi như nghìn trùng xa cách.
Các bác cưới vợ trẻ hơn mình vài thập niên coi như trúng số độc đắc nếu bác gái có «thẻ xanh» dằn bóp mà vẫn vui mộng chiều xuân với bác trai, còn nếu bác gái ôm green card đi luôn, kể như bác trai bị quịt một cú để đời, nhưng nếu còn sức ta về Sàigòn làm «hiệp hai».
Thấy các «trưởng niên» vất vả với mối tình son trẻ, anh Liêm chọn Xíu cho chắc ăn, «gìa chát» như chị nên họ mới có cớ nhắc đến kỷ niệm những năm bảy mươi, cái thời «yé yé» của các anh, mấy em trẻ chưa ra đời lấy gì chia sẻ với anh chồng gìa. Phong trào các bác về Sàigòn lấy vợ nhỏ hơn chục tuổi đang thịnh hành, nàng mấp mé «hết hạng trăng hoa», bỗng có việt kiều cưới, trúng số độc đắc hệ số bình phương, bảo đãm nàng sẽ thề suốt đời nhớ ơn anh việt kiều.
Cưới vợ trẻ được tiếng «bảnh», nhưng hậu trường chưa biết ra sao, liệu sức mà o bế cô em bé bỏng, sơ hở bị «phổng tay trên» như chơi, khi nào cô em giận dỗi thì tình mình lại lắm chông gai, một mai chia tay hổng chừng, đã thế có kẻ ác mồm gọi vợ trẻ của anh là «con gái» ngọt sớt.
Chiều nay anh với Xíu đi xem ca nhạc, tối đến gối đầu trên cánh tay anh, Xíu thủ thỉ, hồi chiều Trung Chỉnh Hoàng Oanh hát bài «Chuyến đi về sáng» tình ơi là tình, vợ của BS Chỉnh có khi nào ghen với mấy cô ca sĩ không anh, không chờ anh trả lời, Xíu tiếp, ghen làm gì cho mệt, bây giờ BS sổ sữa tròn ú đâu còn đẹp và oai như lúc trẻ.
Anh nheo mắt nhìn Xíu, bắt tại trận nhe, mấy bà cũng mê đàn ông đẹp trai vậy mà lúc nào cũng lên án đàn ông mê gái trẻ đẹp, nhưng anh là đứa ngoại lệ, không thèm mê gái trẻ, yêu bà gìa, chồng em bản lãnh chưa.
Xíu sung sướng gật đầu, thầm cảm ơn mối tình muộn của anh đã cho chị cơ hội yêu và được yêu như mối tình đầu, họ yêu nhau như để bù lại thời vàng son đã mất.
Ai dám bảo gìa không còn lãng mạn, tình yêu làm gì có tuổi, có chăng người gìa yêu nhau nhẹ nhàng êm đềm đến khó nhận diện. Khi các cụ đã yêu, coi như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông của nhân gian không chen chân nỗi với mùa yêu của họ, chuyến này là yêu đến thiên thu, tình chỉ đẹp khi còn dang dở là tình của bọn trẻ, người lớn yêu nhau chỉ có một lần nữa... mà thôi.

Đoàn Thị